970x90

I. TRIỆU CHỨNG VÀ NGUYÊN NHÂN

Sau khi thức ăn vào đến dạ dày thì có triệu chứng cảm thấy hơi đau hoặc hơi trướng bụng, buồn đại tiện, nhạt miệng biếng ăn… đó là một trong khá nhiều triệu chứng của bệnh viêm dạ dày mạn tính. Nếu cứ tiếp tục như thế trong thời gian dài thì sẽ xuất hiện triệu chứng toàn thân mỏi mệt và suy kiệt, hai vai đau nhức, mất ngủ, thiếu máu...

II. TRỌNG TÂM TRỊ LIỆU

Khi dạ dày khó chịu thì sẽ cảm thấy lưng bị nặng nề vì thế việc trị liệu chứng lưng bị đau nhức là xuất phát điểm. Đầu tiên để người bệnh nằm sấp, day ấn lên các huyệt Cách du, Can du, Tỳ du Vị du rồi massage lưng dọc theo những huyệt đạo ấy, sẽ cho hiệu quả tích cực. Sau đó đặt người bệnh nằm ngửa, tiến hành ấn lên các huyệt Cự khuyết, Trung quản, Thiên khu, Khúc cốt, với một lực ấn vừa phải sao cho người bệnh vẫn cảm thấy dễ chịu. Tiếp theo tiến hành xoa bóp massage xung quanh rốn theo một đường tròn lớn để kích thích máu huyết vùng bụng lưu thông tuần hòan. Sau cùng ấn lên huyệt Nội quan trên tay, Túc tam lý trên chân, nếu như chân cảm thấy bị hàn lạnh thì cần kích thích huyệt Tam âm giao.

III. CÁC HUYỆT ĐẠO QUAN TRỌNG LIÊN QUAN VÀ PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU

▼ HUYỆT CỰ KHUYẾT

- Tác dụng: Khắc phục các triệu chứng của bệnh dạ dày và cảm giác khó chịu trong ngực.

- Vị trí: Nằm trên đường Nhâm mạch, phía trên rốn chừng 6 đốt ngón tay.

- Phương pháp trị liệu: Để người bệnh nằm ngửa; người trị liệu quỳ bên cạnh, chồm về phía trước, hai bàn tay chồng lên nhau, đầu ngón tay giữa ấn lên huyệt Cự khuyết của người bệnh theo hướng về phía ngực, có hiệu quả khắc phục các triệu chứng của bệnh dạ dày và cảm giác khó chịu trong ngực. Trong trường hợp lồng ngực nóng ran, châm cứu lên huyệt đạo này sẽ có hiệu quả.

▼ HUYỆT TRUNG QUẢN

- Tác dụng: Điều chỉnh các chức năng của hệ tiêu hóa.

- Vị trí: Nằm trên đường Nhâm mạch, sát bên dưới điểm giữa khoảng cách từ rốn đến lồng ngực.

- Phương pháp trị liệu: Để người bệnh nằm ngửa; người trị liệu quỳ bên cạnh, chồm về phía trước, hai bàn tay chồng lên nhau, đâu ngón tay giữa ấn lên huyệt Trung quản, phối hợp nhịp thở của người bệnh theo cách: khi người bệnh thở ra thì tăng lực, hít vào thì giảm lực, kết hợp với massage vùng bụng có hiệu quả điều chỉnh các chức năng của hệ tiêu hóa.

▼ HUYỆT THIÊN KHU (CÒN GỌI LÀ THIÊN XU)

- Tác dụng: Thúc đẩy sự hoạt động của các cơ quan hệ tiêu hóa, khắc phục cảm giác khó chịu của bệnh đau dạ dày mạn tính.

- Vị trí: Hai huyệt đối xứng qua rốn và cách rốn chừng 2 đốt ngón tay (phía ngoài huyệt Hoang du một đốt ngón tay).

- Phương pháp trị liệu: Để người bệnh nằm ngửa; người trị liệu quỳ bên cạnh, chồm về phía trước, ba ngón tay giữa của hai bàn tay khép chặt, cùng lúc từ từ ấn đến mức độ lún vào lớp mỡ bên trên hai huyệt Thiên khu của người bệnh, kết hợp với việc massage vùng bụng, có hiệu quả nâng cao sự hoạt động của các cơ quan hệ tiêu hóa, khắc phục cảm giác khó chịu của bệnh đau dạ dày mạn tính.

▼ HUYỆT VỊ DU

- Tác dụng: Thư giãn sự căng thẳng của lưng, cơn đau dạ dày và cảm giác nặng nề.

- Vị trí: Hai huyệt đối xứng qua và cách đốt sống ngực thứ 12 chừng 2 đốt ngón tay, thuộc nửa dưới và gần sát giữa lưng.

- Phương pháp trị liệu: Để người bệnh nằm sấp; người trị liệu quỳ bên cạnh, chồm về phía trước, hai bàn tay ôm hai bên hông, đầu hai ngón tay cái ấn hơi mạnh lên hai huyệt Vị du của người bệnh, để làm thư giãn sự căng thẳng của lưng, khắc phục cơn đau dạ dày và cảm giác nặng nề khó chịu.

▼ HUYỆT KHÚC CỐT

- Tác dụng: Điều chỉnh chức năng của cơ quan tiêu hóa.

- Vị trí: Nằm chính giữa và sát phía trên đầu mút dưới xương cung chậu (xương mu).

- Phương pháp trị liệu: Để người bệnh nằm ngửa người trị liệu quỳ bên cạnh, hai bàn tay chồng lên nhau từ từ xoa bóp tỉ mỉ vùng ngực và bụng từ huyệt Cự khuyết đến huyệt Khúc cốt; có hiệu quả điều chỉnh chức năng của cơ quan tiêu hóa, khắc phục chứng trướng bụng.

▼ HUYỆT NỘI QUAN

- Tác dụng: Khắc phục cảm giác đau buồng tim điều chỉnh chức năng của Vị Tràng.

- Vị trí: Nằm trên đường thẳng từ giữa bàn tay đến giữa khuỷu tay trong, cách nếp nhăn cổ tay trong chừng 2 đốt ngón tay về phía trên.

- Phương pháp trị liệu: Bàn tay người trị liệu nắm phía ngoài cẳng tay người bệnh, đầu ngón tay cái gập lại ấn hơi mạnh lên huyệt Nội quan, có hiệu quả làm dịu cơn đau trong lồng ngực, điều chỉnh chức năng của cơ quan dạ dày và ruột.

▼ HUYỆT TÚC TAM LÝ

- Tác dụng: Khắc phục cảm giác nặng nề khó chịu của dạ dày.

- Vị trí: Nằm ở mé ngoài xương cẳng chân, phía đầu gối chừng 3 đốt ngón tay.

- Phương pháp trị liệu: Để người bệnh nằm ngửa người trị liệu quỳ phía dưới chân người bệnh, hai bàn tay nắm hai bắp cẳng chân, hai đầu ngón tay cái cùng lúc ấn lên hai huyệt Túc tam lý, có hiệu qủa khắc phục cảm giác nặng nề khó chịu của dạ dày, và các triệu chứng của bệnh đường tiêu hóa. Người bệnh có thể ngồi trên ghế, tự day ấn lên huyệt đạo này chữa trị. Dùng phương pháp châm cứu cũng rất hiệu quả.

iBooks

{picture#https://1.bp.blogspot.com/-g9yBlmBaTqE/WrjioUbUeRI/AAAAAAAAkog/Bz6Nhx7FvOwb0F9nFWJ1tPPtaZLiTWfJwCLcBGAs/s1600/nguyen-duy-giang.png} DỰ ÁN CHIA SẺ SÁCH {facebook#https://www.facebook.com/ernestonguyengiang} {twitter#https://twitter.com/duygiangnguyen} {google#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL} {pinterest#https://www.pinterest.com/nguyenduygiang/} {youtube#https://youtube.com/nguyenduygiang} {instagram#YOUR_SOCIAL_PROFILE_URL}
Được tạo bởi Blogger.