I. TRIỆU CHỨNG VÀ NGUYÊN NHÂN
- Toàn thân có biểu hiện nhức mỏi, đau ê ẩm sau khi vận động hoặc làm việc quá nặng nhọc, chủ yếu là do cơ bắp hoạt động quá sức gây nên. Thông thường chỉ cần nghỉ ngơi thoải mái, tắm rửa, ngủ sâu một giấc là sức khỏe được phục hồi. Nhưng khi toàn thân có cảm giác đau nhức, mệt mỏi kéo dài mấy ngày liền mà không rõ nguyên nhân, thì nhất định đó là triệu chứng ban đầu của một số bệnh nội tạng, nên đi bác sĩ để được kiểm tra, chữa trị. Ngoài ra cảm giác thân thể mệt mỏi còn do tâm trạng buồn phiền, hoặc tinh thần bất an gây ra.
II. TRỌNG TÂM TRỊ LIỆU
- Căn cứ vào nguyên nhân gây bệnh và những bộ phận cơ thể phát sinh triệu chứng mà có phương pháp trị liệu khác nhau.
- Thí dụ: nhức mỏi ở lưng và thắt lưng, trước hết tiến hành ấn lên huyệt Thiên trụ ở cổ, Thân trụ, Can du ở lưng, Chí thất, Thận du ở vùng thắt lưng. Ấn lên các huyệt Đản trung (còn gọi là Chiên trung, Thiện trung), Kỳ môn, Trung quản, Hoang du (còn gọi là Dục du), Đại cự, Cư liêu... ở vùng ngực, bụng cũng rất hiệu quả. Nếu cánh tay đau nhức thì ấn lên các huyệt Dương trì, Khúc trì, Hợp cốc, Nội quan…; nếu chân đau nhức thì ấn lên các huyệt Túc tam lý, Ân môn (còn gọi là Yên môn), Trúc tân, Tam ân giao... sẽ có hiệu quả. Ấn huyệt Dũng tuyền ở bàn chân cùng với massage lòng bàn chân sẽ tiêu trừ cảm giác nhức mỏi toàn cơ thể.
III. CÁC HUYỆT ĐẠO QUAN TRỌNG LIÊN QUAN VÀ PHƯƠNG PHÁP TRỊ LIỆU
▼HUYỆT THIÊN TRỤ
- Vị trí: Hai huyệt nằm ngay mi tóc, bên ngoài hai thớ cơ lớn, đối xứng nhau qua chỗ lõm sau gáy.
- Phương pháp trị liệu: Người trị liệu ở phía sau, hai bàn tay ôm hai bên đầu người bệnh, đầu hai ngón tay cái cùng lúc ấn lên hai huyệt Thiên trụ của người bệnh; kích thích cho máu huyết lưu thông khắp phần đầu và cơ thể, làm tiêu trừ chứng nhức mỏi vùng cổ. Tiếp đó, ấn lên các huyệt đạo vùng lưng như huyệt Thân trụ… sẽ có hiệu quả làm tiêu trừ chứng nhức mỏi toàn thân.
▼ HUYỆT THẬN DU
- Vị trí: Nằm ở eo lưng, ngang với đầu xương sườn thấp nhất, hai huyệt đối xứng và cách xương sống chừng 1,5 đốt ngón tay.
- Phương pháp trị liệu: Để người bệnh nằm sấp; người trị liệu quỳ bên cạnh, chóm người về phía trước, hai bàn tay ôm hai bên hông, đầu hai ngón tay cái cùng lúc ấn lên hai huyệt Thận du của người bệnh; làm tiêu trừ chứng đau nhức ở vùng thắt lưng và cả lưng. Cũng dùng phưong pháp ấy bấm lên các huyệt vùng bụng như huyệt Chí thất... càng thêm hiệu quả.
▼ HUYỆT TÚC TAM LÝ
- Vị trí: Nằm phía ngoài xương ống chân, phía dưới đầu gối chừng ba đốt ngón tay.
- Phương pháp trị liệu: Để người bệnh nằm ngửa; người trị liệu quỳ giữa hai chân người bệnh, hai tay ôm hai bắp chân dưới, đầu hai ngón tay cái ấn lên hai huyệt Túc tam lý của người bệnh, tiêu trừ không chỉ chứng nhức mỏi đôi chân, mà cả toàn thân. Đối với bệnh đã thành mạn tính, dùng liệu pháp châm cứu huyệt đạo này cũng hiệu quả. Người bệnh có thể ngồi trên ghế, ấn vào huyệt này để tự chữa trị cho mình.
▼ HUYỆT DŨNG TUYỀN
- Vị trí: Nằm giữa gót trước lòng bàn chân, ngay chỗ lõm giữa cơ gan chân trong và cơ gan chân ngoài.
- Phương pháp trị liệu: Để người bệnh nằm sấp, co hai cảng chân để đưa cao hai bàn chân lên; người trị liệu quỳ phía dưới chân, bán tay đỡ má ngoài chân người bệnh, đầu hai ngón tay cái ấn mạnh lên hai huyệt Dũng tuyền; giúp cho máu huyết lưu thông, tiêu trừ chứng nhức mỏi, hàn lạnh chân và giảm stress. Người bệnh có thể ngồi trên ghế, tự ấn lên Huyệt đạo ấy để chữa trị cho mình.
▼ HUYỆT CƯ LIÊU
- Vị trí: Hai huyệt hai bên ở phía trước bụng và hơi thấp hơn hai đầu khớp xương hông.
- Phương pháp trị liệu: Để người bệnh nằm ngửa; người trị liệu quỳ bên cạnh, chồm người về phía mặt người bệnh, hai tay ôm hai đùi, đầu hai ngón tay cái cùng lúc ấn vào hai huyệt Cư liêu của người bệnh để trị liệu. Kết hợp với biện pháp massage, xoa bóp nhẹ nhàng từ huyệt đạo ấy xuôi xuống chân càng thêm hiệu quả.
▼ HUYÊT ÂN MÔN (CÒN GỌI LÀ HUYỆT YÊN MÔN)
- Vị trí: Nằm phía dưới điểm trung tâm mặt sau đùi gần một đốt ngón tay.
- Phương pháp trị liệu: Để người bệnh nằm sấp; người trị liệu quỳ giữa hai chân người bệnh, hai tay ôm hai bên đùi, đầu hai ngón tay cái cùng lúc ấn mạnh lên hai huyệt Ân môn cùa người bệnh để trị liệu.